- Con chị đã say trong giấc ngủ trưa, 2 dòng nước mắt vẫn còn in hằn trên 2 gò má bé bỏng. Đôi mắt thẳm sâu của chị nhìn con ngủ, xót xa, đau lòng và có phần hối hận. Đó là những gì còn sót lại sau trận đòn “chí mạng” từ người mẹ lúc sáng giành cho con trai của mình. Nhìn con ngủ là lúc tâm trạng chị lắng xuống và bắt đầu suy nghĩ. Người mẹ này cảm thấy hối lỗi tại sao mình lại đánh con, cảm thấy lo sợ liệu con có ghét bỏ mình và liệu con có bị ảnh hưởng tâm lý gì không. Lí do cho trận đòn này bắt nguồn từ sự bướng bỉnh của con và cả sự mất bình tĩnh của người mẹ, để rồi con rơi vào tình trạng khóc thét, bắt con đứng úp mặt vào tường 15 phút, trước khi đứa con chịu nín khóc và đi ngủ.
- Chắc hẳn chúng ta đến lúc trưởng thành vẫn khó quên được những lần bị cha đánh, bị mẹ chửi và đem mình đi so sánh với con nhà người ta; những lần mình khóc một mình trong căn phòng với những nỗi niềm cha mẹ không chịu nghe con nói. Đã đến lúc cha mẹ cần lắng nghe những gì con đang nghĩ và con muốn chia sẻ, nó đòi hỏi sự thấu hiểu của cha mẹ!
Thực trạng sự thấu hiểu của cha mẹ
- Mọi vấn đề mâu thuẫn dẫn đến trừng phạt trẻ bằng đòn roi, thậm chí la mắng hoặc so sánh sự yếu kém của con mình với những đứa trẻ khác là bắt nguồn từ sự không thấu hiểu của người làm cha làm mẹ. Cha mẹ luôn xem con cái là những đứa trẻ thơ, cần được sự dẫn dắt của mình. Vì thế cha mẹ luôn áp đặt suy nghĩ của bản thân mình lên con cái. Bạn luôn muốn con phải như thế này; phải học cái kia, phải làm cái nọ. Bạn sẽ không bao giờ hiểu vấn đề của con, nếu bạn không “nhỏ lại” như trẻ. Song, nhiều bậc cha mẹ đang quan điểm sai lầm: thấu hiểu con nghĩa là bạn lúc nào cũng chiều ý con mỗi lần con có vấn đề hoặc bướng bỉnh. Nếu bạn suy nghĩ như vậy là không đúng. Chúng ta phải hiểu rằng “Nhỏ lại” như trẻ là cha mẹ đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ trong tình huống đó, đặt mình vào suy nghĩ của con trẻ và hiểu vấn đề khó mà trẻ đang đối mặt. Đó là cách ba mẹ hiểu con đúng đắn, thể hiện mình là người thấu hiểu con và luôn cho con được nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình.
- Đọc thêm: Nghệ thuật nuôi dạy con cái – Cha mẹ là người thông thái
- Tôi lấy một ví dụ cụ thể cho ba mẹ dễ hình dung hơn. Trên thực tế có rất nhiều đứa trẻ chỉ biết kéo áo mẹ để thể hiện 1 nhu cầu nào đó. Nếu bố mẹ không đáp ứng được nhu cầu đó của con phần lớn các con sẽ khóc ăn vạ, điều này làm ba mẹ vô cùng khó chịu, bực mình và bất lực với con, thậm chí nhiều mẹ còn phạt con, đánh con không kiểm soát. Có bao giờ bạn có suy nghĩ rằng ngôn ngữ của con mình đang bị chậm so với mức phát triển của lứa tuổi không? Hoặc con đang có dấu hiệu của của hội chứng nào đó khiến con phải dùng những cử chỉ thay cho lời nói của mình không? Điều này có thể xảy ra đó ạ. Tiếng khóc là cách gửi thông điệp đến cha mẹ của trẻ “Con ở đây nè, con đang cần mẹ”.
- Ví dụ này cho bạn thấy được: Trẻ cần 1 “người bạn” để hiểu trẻ ngay từ rất nhỏ. Dĩ nhiên, bạn nên chính là người bạn ấy của trẻ. Học làm cha mẹ không đơn thuần chỉ học kiến thức để nuôi dạy con khỏe mạnh, dinh dưỡng tốt mà bạn cũng cần phải học để hiểu con, hướng dẫn con và chia sẽ cùng con. Hãy truyền những kinh nghiệm bạn có, hướng dẫn và ân cần răn bảo để con phát huy giá trị của bản thân, hơn là giá trị cho bản thân bạn.
Khi cha mẹ làm bạn với con
- Khi ba mẹ làm bạn với con đó sẽ là món quà vô giá, đáng trân trọng:
- Trẻ ngoan hơn mong đợi và ít bướng bỉnh vì trẻ luôn được cha mẹ hiểu và chia sẽ khó khăn ở những giai đoạn phát triển, điển hình là các giai đoạn khủng hoảng lên 3, khủng hoảng giai đoạn tiền tiểu học,…
- Trẻ phát triển tốt giá trị bản thân vì trẻ được tôn trọng.
- Sự phát triển nhận thức và suy nghĩ tư duy của trẻ phát triển sớm hơn.
- Những nghiên cứu của GS. Frijns, ĐH Utrecht, cho biết: Đừng cố moi móc bí mật của con bằng mọi cách, kể cả vũ lực, nó sẽ “câm như hến” và chán ghét bạn, hãy để con tự nói với bạn. Để làm được điều này chỉ có cách duy nhất là làm bạn với con. Làm bạn càng sớm càng giúp bạn có nhiều cơ hội để hiểu con hơn.
Cách làm bạn với con
Hãy cho trẻ thấy bạn hiểu trẻ
- Khó nhất là làm sao biết trẻ cần gì để hiểu? Để hiểu trẻ bạn hãy học cách suy nghĩ như trẻ. Có lẽ bạn chưa chắc chắn hiểu hết con nói gì vì phát âm bé chưa rõ, nhưng hãy thể hiện bạn đang lắng nghe tích cực sự giải thích của con.
Bớt la mắng, hãy hành động
- Khi còn làm vỡ đồ, đừng la mắng. Hãy cho con biết con sai ở chỗ nào. VD trong nhà chật chội không thể đá banh, nếu con muốn đá banh ngày mai bố con ta ra sân bóng sau nhà cùng đá nhé và hãy hành động để con sửa sai (bây giờ còn mang găng tay cùng bố dọn dẹp nhà nào).
Đừng suốt ngày nói cái con không tốt
- Đơn giản là bạn cho con biết con có những thế mạnh của con. Con không phải yếu kém. Con chỉ cần cố gắng thêm 1 chút nữa ở lĩnh vực con không quen thuộc.
Đừng làm bạn “giả” với con
- Làm người bạn của con phải là người bạn có tính trung thực nhận ra những điều con làm chưa đúng hoặc chưa biết cách làm sao cho đúng, đưa ra hướng dẫn, răn bảo có tính xây dựng và để không gian cho con phát triển. Đừng là người bạn luôn khen, luôn đứng về phía con và bênh vực vô nghĩa. Điều này bạn đang làm con bạn xấu đi trong nhận thức. Người bạn thật sự của con cần có sự thấu hiểu, chia sẽ, nhưng có “đặc quyền của bậc làm cha mẹ” khi con làm sai và khi con cần uốn nắn khoa học. Đừng lấy “đặc quyền” này và tự cho mình có quyền xâm phạm riêng tư, soi mói và áp đặt mọi chủ kiến và suy nghĩ lên con trẻ. Nếu bạn làm vậy, con bạn sẽ chán ghét một người bạn như bạn.
- “Mỗi trẻ em là môt vì sao lấp lánh”, mỗi em sẽ có những điểm tỏa sáng riêng, đừng ai bắt ép các em phải giống người này, phải giỏi như người kia. Bố mẹ hãy làm bạn với con một cách tự nhiên nhất, đừng giả tạo cũng như đừng gượng ép, hãy là người bạn chân chính nhất với con bố mẹ nhé.
Đánh giá và can thiệp tại Braincare
Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng.
Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sự phát triển của trẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.
Đăng kí tư vấn