Cuộc chiến tuổi lên 3

“Con tôi bướng quá, động một tí là khóc ăn vạ”

“Cháu tôi cái gì cùng tranh làm mà làm có được đâu, làm hỏng hết bao nhiêu thứ”

“Con em nay biết làm điệu rồi đấy chị ạ, tự lấy son của mẹ ra trang điểm, bẩn hết cả quần áo”

Vâng, các bậc phụ huynh chắc hẳn đang đau đầu trong cuộc vật lộn với cô con gái hay cậu con trai của mình trong độ tuổi lên 3. Rất nhiều chị không hiểu lí do vì sao con mình lại thay đổi tính nết nhanh đến như vậy và các chị đã từng bất lực. Thực tế, các con trong độ tuổi 3 tuổi đang ở trong giai đoạn khủng hoảng và người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Hãy tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm của các bé ở giai đoạn này nhé!

Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì và kéo dài bao lâu?

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình phát triển tâm trí của trẻ nhỏ. Tình trạng khủng hoảng thường kéo dài từ nửa sau của tuổi lên 3 đến nửa đầu của tuổi lên 4 với mức độ và cường độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi bé.

Dấu hiệu

Phản ứng tiêu cực: nó liên quan đến thái độ của trẻ với người khác. Ví  dụ, đứa trẻ từ chối tuân thủ một số yêu cầu của người lớn và làm ngược lại. Trẻ cố chấp không làm theo những gì trước đây bố mẹ chỉ dẫn, không thực hiện những quy tắc bố mẹ đưa ra (trước đó trẻ vẫn làm theo).

Sự bướng bỉnh: thể hiện một phản ứng quyết liệt đối với quyết định của chính mình. Ví dụ, đứa trẻ khăng khăng đòi hỏi về quyền quyết định của mình.

Tự chủ: ví dụ như trước đây, khi trẻ muốn làm một điều gì thì sẽ xin phép bố mẹ trước. Nhưng hiện tại trẻ hay tự làm mà không cần sự chấp thuận của ai cả.

Trẻ có thể không hứng thú với những thứ trước đây đã từng rất thích. Thậm chí có những hành vi rất ngang ngược. Bạn có thể nhận thấy trẻ “ăn vạ” khác hơn so với trước. Hành vi ăn vạ kéo dài hơn và cường độ dữ dội. Đôi khi bạn đáp ứng nhu cầu của trẻ rồi nhưng vẫn không dừng ăn vạ.

Thường xuyên cãi lời người lớn bằng hành động hoặc lời nói.

Khăng khăng đòi một cái gì đó không phải vì thực sự muốn nó, mà đã quen được người lớn đáp ứng mọi yêu cầu…

Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi lên 3

“Khủng hoảng” tưởng chừng rất ghê gớm nhưng nó là một giai đoạn phát triển tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý của con người. Khi trẻ bước vào tuổi lên 3, trẻ nhận thức được khả năng của bản thân, sự phát triển khéo léo của đôi bàn tay, sự phát triển ngôn ngữ với khả năng diễn đạt nhận thức thế giới xung quanh của trẻ ngày càng được tích lũy, các kỹ năng vận động cùng với khả năng tự phục vụ bản thân….

Ở độ tuổi này, trẻ cảm nhận sự “lớn” dần trong cơ thể, trẻ muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng hiện tại của trẻ chưa thể làm hết mọi việc hoặc bị cha mẹ ngăn cấm nên dần dần tạo nên những phản ứng, những hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó, do ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển toàn diện làm cho trẻ chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn mong muốn của mình với người lớn cũng như không có sự “liên minh” của các thành viên hoặc không thống nhất trong nội quy gia đình hoặc tấm gương giáo dục cũng sẽ làm cho cuộc khủng hoảng ở trẻ trở nên dữ dội hơn.

Phương pháp

Hãy dạy con gọi tên “cảm xúc”

  • Khi tương tác với bé, cha mẹ cần lưu tâm giúp bé điều chỉnh, đừng nôn nóng “dập tắt” tính ngang bướng của bé. Hãy cho bé những hướng dẫn rõ ràng, bình tĩnh và lắng nghe bé. Đừng ngần ngại thể hiện cho con thấy rằng “Bố mẹ hiểu cảm giác của con!”, “Con buồn lắm khi thấy cha mẹ bế em phải không?”, “Có phải vì con muốn được ăn gà rán nhưng mẹ không cho nên con thất vọng không?”
  • Hãy giúp con diễn đạt những điều mà con đang trải qua, sự gợi mở này sẽ có tác dụng bình ổn mong muốn nổi loạn của trẻ một cách trực tiếp. Để sau đó, trẻ dễ dàng chấp nhận thực hiện các hướng dẫn hành vi từ cha mẹ: “con nên cảm ơn, xin lỗi”; “con nên dọn đồ chơi vào góc phòng”; “con có khó chịu về điều này không, tại sao?”; “vì sao con không thích em nằm cạnh mẹ?”… 

Hãy lắng nghe

  • Rất nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng “đau đầu” khi phải nghe con mình nói luyên thuyên, thỉnh thoảng còn là cãi lý với cha mẹ. Thế nhưng, cha mẹ cần nhận ra: Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cung cấp vốn từ cho bé thông qua các hoạt động: trò chuyện, đọc sách,…
  • Thay vì cấm đoán vô cớ: “Con có nín đi không?” hoặc phán xét “Sao mà nói nhiều quá!”, cha mẹ cần trở thành một người bạn biết lắng nghe để hiểu, uốn nắn và cung cấp vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ. Đồng thời, chính việc lắng nghe này tạo cho con cảm giác thoải mái, được giải tỏa những điều lo lắng trong lòng, từ đó trẻ sẽ có thái độ hợp tác hơn và chấp nhận các chuẩn mực mà cha mẹ đang cung cấp cho mình.

Hãy để con sáng tạo

  • Giai đoạn này bé có thể học hỏi rất nhanh và ghi nhớ sâu những điều mới lạ, vì vậy, khi tương tác cùng con, cha mẹ hãy đặt ra các câu hỏi “tại sao”, “sao thế này mà không là thế khác”, “nếu… thì …” để kích thích hành vi sáng tạo cho bé.
  • Chẳng hạn, “Nếu bỏ quả bóng xuống nước thì….”, “Nếu Nấm không cắt móng tay thì….”, “Tại sao mèo lại phải có bộ lông?”, “Sao chúng ta phải ăn canh bằng muỗng (thìa) mà không phải bằng đũa?”,… Cách thức này không chỉ có giá trị trong việc kích thích tính sáng tạo cho trẻ mà còn là cơ hội để cha mẹ hình thành sự tự tin thể hiện ý kiến cho trẻ.

Hạn chế la hét

  • La hét là một cơ chế phòng thủ mà người lớn thường đem ra sử dụng những lúc trẻ nhỏ không nghe lời. Tuy nhiên, hành động này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý bé nhiều hơn mà bạn có thể nhận ra dẫu cho việc này có thể làm cho con nghe lời bạn ngay lập tức.
  • Thay vì rầy la con một cách lớn tiếng, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế và tìm ra những hình thức cảnh cáo nhẹ nhàng hơn. Nguyên nhân là bởi trẻ nhỏ cần được nuôi dạy trong một môi trường tích cực để phát triển trí não khỏe mạnh.

Gợi ý lựa chọn

  • Nếu bé tỏ ý muốn chơi đồ chơi, bố mẹ hãy cho con lựa chọn nhưng với giới hạn từ 2 – 3 món. Kiên quyết nói không dẫu trẻ tỏ ra muốn được đưa thêm.

 

Hãy ôm con thật nhiều

  • Trẻ trong độ tuổi lên 3 cần rất nhiều cử chỉ yêu thương từ người lớn, ngay cả khi bạn đang làm gì đi chăng nữa. Hãy luôn sẵn sàng dành cho trẻ những vòng tay âu yếm, ôm chặt con và luôn nói: “Bố mẹ yêu con” dẫu cho lúc ấy bé chưa hẳn ngoan ngoãn.

Đánh giá và can thiệp tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sự phát triển của trẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo