6 chiến lược giúp cha mẹ dạy con học nói tại nhà

  1. Con em được 27 tháng, tăng động giảm chú ý, chậm nói, con chỉ nói được một số từ đơn còn lại toàn ú ớ, em đang cho con đi can thiệp tại trung tâm cũng đc hơn 2 tuần rồi. Chuyên gia có thể hướng dẫn em một vài phương pháp giúp con tập nói tại nhà hiệu quả được không ạ? Tại em cũng muốn dạy tương tác với con ở nhà, nhưng ko biết cách dạy từ đâu.

(Chị ….., tphcm, 34 tuổi)

Vậy, Thời điểm thích hợp đánh giá chậm nói cho con là lúc nào? Giải đáp tại đây: https://braincare.vn/thoi-diem-thich-hop-de-danh-gia-tre-cham-noi/

Tiến sĩ Phượng trả lời

Để quá trình dạy nói của trẻ đạt hiệu quả tốt nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Chính vì thế, giáo dục gia đình đóng vai trò rất lớn, kể cả trường hợp trẻ đang được can thiệp tại Trung tâm, cha mẹ cũng rất cần can thiệp cho con tại nhà. Chính cha mẹ là người gần gũi con nhất, hiểu con nhất, đưa ra được những phương pháp dạy con tỉ mỉ và hoàn thiện nhất.

Ngôn ngữ sẽ được học hiệu quả nhất trong các tình huống có ý nghĩa đối với trẻ. Chính trong môi trường gia đình ( với các hoạt động vui chơi, sinh hoạt hằng ngày…) đó là những tình huống thực, có ý nghĩa, chính vì thế, cha mẹ hãy tận dụng những tình huống đó để dạy con học nói.

  • Ví dụ: Trong giờ ăn, cha mẹ nói với trẻ về các món ăn, hoạt động ăn của con.
  • Trong giờ tắm, cha mẹ tận dụng nói với trẻ về các bộ phận cơ thể.

Dưới đây là một số chiến lược cha mẹ hãy áp dụng để kích thích cho con phát triển ngôn ngữ tại nhà: 

  • Thu hút sự chú ý của con trước khi cha mẹ nói, bằng cách: gọi tên con, chạm nhẹ vai con, nói có ngữ điệu, nói về đồ vật/đồ chơi trước rồi mới đưa đồ vật đó ra cho trẻ chơi. Ví dụ: Trước khi lấy máy bay ra cho con chơi, mẹ hãy gây sự chú ý của con trước bằng cách gọi tên con/chạm nhẹ vào vai con/cho con nghe âm thanh của máy bay trước “Nam ơi, mẹ nghe thấy, ù ù ù”, sau đó mới đưa máy bay ra cho con nhìn thấy, “à, mẹ có máy bay”.
  • Độc thoại: Cha mẹ sẽ nói về việc mà mình đang làm, để trẻ có cơ hội được nghe ngôn ngữ gắn vào tình huống thực tế. Ví dụ: mẹ đang tắm cho con, mẹ nói “Mẹ tắm cho con”, “Mẹ rửa mặt”, “Mẹ rửa mắt”, “Mẹ rửa mũi”, “Mẹ rửa miệng”… Mẹ lặp đi lặp lại những bộ phận như thế, sẽ tạo cơ hội để trẻ được nghe nhiều, dần dần con sẽ nhận biết được các bộ phận cơ thể của con.  
  • Nói song song: Cha mẹ quan sát xem trẻ đang làm gì, đang có hoạt động gì, từ đó, cha mẹ hãy dùng ngôn ngữ để mô phỏng, mô tả lại hoạt động con đang làm. Ví dụ: Con đang chơi với ô tô, con đang đẩy xe đi. Mẹ sẽ nói với con “À, Nam đang chơi ô tô/ ô tô màu đỏ/ Nam đẩy ô tô/ zìn zìn, bíp bíp”. -> Đó là cơ hội để trẻ được nghe ngôn ngữ, dần dần con sẽ hiểu ô tô là cái nào, sau đó con có thể lấy được ô tô, chỉ được ô tô khi được yêu cầu.
  • Nói ít từ, nhấn vào từ mình muốn trẻ nghe. Ví dụ, mẹ nhấn vào từ “ô tô” trong câu “Nam lái ô tô“, “Ô tô đi bíp bíp”, để thu hút được sự chú ý của con.

Kích thích nhu cầu giao tiếp của con. Cha mẹ quan sát xem con thích ăn cái gì, thích chơi đồ chơi nào. Sau đó, cha mẹ dùng chính sở thích đó của con để kích thích nhu cầu giao tiếp cho con, bằng các chiến lược:

  • Chia phần thiếu: Ví dụ: con thích ăn bim bim, thay vì cha mẹ đưa cả gói cho con ăn, cha mẹ hãy đổ 1 vài miếng bim bim ra đĩa để trẻ ăn. Khi con ăn hết, con sẽ xuất hiện nhu cầu “muốn ăn nữa”, đó là cơ hội để chúng ta dạy cho con nói. Đó là, Cha mẹ hãy dạy con cách thể hiện nhu cầu phù hợp. Nếu con chưa phát ra được âm thanh, con chỉ cần nhìn, chỉ tay vào gói bim bim thôi, lúc này mẹ nói mẫu “Bim bim”, “Con muốn ăn bim bim” -> Sau đó, mẹ lấy bim bim cho con ăn. Cao hơn, khi con biết chỉ tay rồi, mẹ hãy dạy cho con phát ra âm thanh. Mẹ có thể yêu cầu “Con khoanh tay, con phải “ạ” mẹ mới cho con bim bim” -> Khi con đã nói “ạ”, con “xin”, mẹ hãy nói mẫu cho con “Con muốn ăn bim bim”  – > Mẹ lấy bim bim cho con ăn. 
  • Xa tầm với: Cha mẹ tận dụng vào đồ chơi con thích (ô tô, máy bay…), hãy để đồ chơi đó lên trên cao, con nhìn thấy nhưng con không tự lấy được. Lúc con muốn chơi, thay vì để con kéo tay mẹ đến chỗ có đồ chơi, mẹ hãy dạy con nhìn, chỉ ngón tay vào đồ chơi. Sau đó mẹ nói mẫu “Ô tô, con muốn chơi ô tô”/”Mẹ lấy ô tô cho con” -> Sau đó, mẹ lấy ô tô cho con chơi.

=> Như vậy, cha mẹ vừa phải kích thích nhu cầu giao tiếp cho con, vừa phải nói mẫu, vừa phải mở rộng câu nói cho con.

=> Trong tình huống hằng ngày, cha mẹ lặp đi lặp lại những chiến lược như vậy, giúp con có cơ hội được nghe -> dần dàn con hiểu -> dần dần con có thể bắt chước và sử dụng được. 

Chúc cha mẹ thành công trên con đường đồng hành “cùng con học nói”

Để lắng nghe những câu trả lời tiếp theo của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phượng về trẻ chậm nói, hãy ấn: Quay lại

Đánh giá và can thiệp tại BrainCare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

BrainCare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực đánh giá sự phát triển của trẻ em tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sự phát triển của trẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. BrainCare “Vì cộng đồng hạnh phúc hơn từng phút giây”.

Đăng ký tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo