Thế giới của mỗi người

Mỗi người đều mang trong mình một thế giới riêng. Khi chúng ta vừa chào đời, thế giới của ta đã được hình thành và tồn tại mãi về sau, không giống với bất kì ai ngoài kia. Đó là một thế giới, một nơi chỉ dành riêng cho bạn, là của riêng bạn mà thôi.
Thế giới của riêng bạn có những gì trong đó?
Có giống như thế giới của bố mẹ, dành cho con cái của mình những tình yêu thương mãnh liệt nhất. Ngày mà bạn đến với cuộc đời này, trong thế giới của bố mẹ, đột nhiên có thêm một khoảng trời, mỗi ngày bạn lớn dần lên trong thế giới ấy, lại đánh dấu một cột mốc.
Thế giới của riêng bạn có những gì trong đó? Có giống với tớ không?
Tớ – là một đứa trẻ tự kỷ. Tớ tên là N.K. Mọi người thường hay gọi tớ Tít. Ngay từ đầu tớ đã không biết đó là tên của mình, tớ thờ ơ với tất cả những người gọi tên tớ. Tớ rất hay quên và khó khăn trong việc tiếp nhận từ. Đã có một thời gian dài, tớ không hiểu được ý nghĩa của từ “mẹ”, “bố”. Các bạn không biết đâu, đã mất rất nhiều thời gian để tớ làm quen và hiểu được ý nghĩa các từ đó. Nếu như các bạn chỉ cần một vài ngày, tớ cần một vài năm.
 
  • Tớ không thể nói chuyện được. Mọi người thường nói tớ không biết nói. Cũng đúng mà – tớ không có ngôn ngữ lời nói. Không phải là vì tớ không thích nói chuyện mà vì tớ không thể nói được. Tớ cố gắng nói chuyện với người khác và biểu đạt cảm xúc nhưng mỗi lúc như vậy não tớ lại trống rỗng, tớ mất đi khả năng liệt kê sắp xếp các từ. Nhưng tớ hiểu mọi người đang nói gì nhưng tớ không diễn đạt được suy nghĩ và mong muốn của mình cho bố mẹ hiểu được. Nhiều lúc tớ buồn lắm.
  • Có những lúc tớ sẽ hét toáng lên. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải là “kẻ ngốc” giống như một vài người nói đâu. Mỗi lần nhận phải ánh mắt thất vọng từ thế giới bên ngoài tớ cảm thấy vô cùng khó chịu. Trong mắt họ, tớ sẽ phát ra những âm thanh và làm những hành động kỳ lạ. Điều này tớ không khống chế được. Tớ không có ý định làm vậy mà chỉ là từ đầu tớ không kiềm chế được điều đó. Tớ muốn dừng lại nhưng cảm giác này có lẽ khó chịu giống như bắt người đang đói phải dừng việc ăn lại.
  • Mỗi khi đến nơi nào đó lạ, cơ quan cảm nhận của tớ sẽ phình to ra. Tiếng bước chân, tiếng nói chuyện, tiếng kim loại va vào nhau, bất kỳ âm thanh nhỏ nào cũng sẽ khiến tớ chú ý đến. Tớ sẽ cảm thấy khủng hoảng bất an, cảm thấy vô cùng nguy hiểm. Giống như khi có người đánh rơi một chiếc khăn, dây giày bung ra, lá cây đung đưa khi có gió thổi cùng các sự việc nhỏ bé khác cũng sẽ khiến tớ cảm thấy thế giới này đang rung lắc. Mỗi bước đi đều vô cùng khó chịu. Đừng dùng ánh mắt kỳ lạ nhìn tớ nhé. Hãy khoan dung với tớ. Tớ có thể cảm nhận được những biến đổi nhỏ bé, âm thanh to lên từ thế giới bên ngoài. Chỉ là tớ nhìn thấy nhiều thứ hơn các bạn thôi mà.
  • Đối với tớ, tập trung là điều vô cùng khó khăn. Các bạn biết không, tớ không thể ngồi yên và tham gia hoạt động được. Cơ thể tớ luôn chuyển động và thôi thúc tớ chuyển động. Dù là một tiếng động nhỏ, tớ đều bị phân tán.Tớ cảm thấy vô cùng khó chịu khi nhìn vào mắt một ai đó. Tớ thường từ chối tất cả các ánh nhìn và chỉ muốn chơi một mình, trong thế giới của tớ. Rồi bố mẹ và các cô giáo đã rất vất vả để bước vào thế giới của tớ đấy. Tớ dần biết quan sát và nhìn lâu hơn vào mọi thứ. Tớ đã cố gắng rồi phải không các bạn.
  • Các bạn biết không, tớ còn có một sở thích chưa tốt lắm. Tớ thường cắn tay khi cảm thấy cơ thể khó chịu, hay khi tớ cáu gắt. Không những thế, tớ rất hay chơi đũa. Mặc dù người lớn đã cấm tớ rất nhiều lần, tớ cũng biết hành vi này là không đúng nhưng sâu trong trí nhớ tớ loại hành vi này sẽ xuất hiện mà không có lý do. Nếu như tớ không làm điều đó tớ sẽ cảm thấy phát điên. Tớ cần cầm một thứ gì đó để cảm thấy an tâm hơn.
  • Tớ gặp nhiều vấn đề khó khăn trong ăn uống, tớ chỉ ăn được một số đồ ăn nhất định như: thịt, cá, đậu, quả chuối, cam, bưởi. Nhưng tớ không thể ăn được rau xanh, mỗi lần nhìn thấy rau xanh là tớ sợ, tớ cảm thấy mình không thể nuốt vào trong cơ thể. Không phải do tớ kén ăn đâu – do những khó khăn trong cơ thể tớ. Bố mẹ và cô giáo cho tớ ăn uống rất vất vả. Cô giáo tớ phải kiên nhẫn rất nhiều trong các bữa ăn và cô tập cho tớ ăn được cháo, bún, và bánh chưng chiên giòn và tớ còn tập uống được nước canh nữa.
Bạn có biết thế giới của bạn có hình dáng như thế nào không? Thế giới của tớ (một đứa trẻ mắc Tự kỷ) là như thế đó. Một thế giới mà tớ thấy bình yên, an toàn trong đó. Tớ sẽ cố gắng để hòa nhập với mọi người theo một cách riêng của tớ.
Hãy kể lại thế giới của các bạn cho tớ nghe nữa nhé!
====
Đây là bức thư tương lai mà các con mắc hội chứng Tự kỷ muốn gửi đến mọi người mong rằng ai cũng sẽ đọc và thấu hiểu hơn.

Đánh giá và can thiệp tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sự phát triển của trẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng phút giây”.

Đăng kí tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo